Skip to content

Những cống tử thần lộ thiên ở Sài Gòn

Hàng nghìn cống không nắp hoặc gá tạm đang trở thành nỗi kinh hoàng của người dân Sài Gòn, đặc biệt khi trời mưa. Đã có một số người chết, nhưng cơ quan chức năng cho rằng, nạn nhân gặp... xui xẻo.

Chiều tối 10/10, trời mưa như trút nước kết hợp với triều cường đã nhấn chìm các con đường ở 40 khu vực tại TP HCM. Tại đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức),người đàn ông tên Vũ Hồng Thái (ngụ phường Tam Phú, quận Thủ Đức) khi đạp xe đến đoạn ngã tư đường ray xe lửa đã không may sẩy chân ngã xuống cống thoát nước và bị dòng nước xiết cuốn trôi.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân xung quanh đã nỗ lực tìm cách cứu anh Thái thoát khỏi chiếc “bẫy tử thần” này nhưng đều bất lực do nước chảy quá xiết. Nhiều người liều mình tiến gần miệng cống nhưng cũng suýt bị dòng nước cuốn trôi nên phải quay trở lại. Lúc đó, anh Hồ Văn Rép - một tài xế xe ôm, đi ngang qua trông thấy liền lao ngay xuống dòng nước dữ để cứu người bị nạn. Phải mất hơn 30 phút sau khi, anh Rép mới vớt được xác nạn nhân và chiếc xe đạp lên bờ.

Quan sát của VnExpress.net, miệng cống “tử thần” này rộng hơn 1,2 m, sâu khoảng 2m và khoảng cách hai đầu cống khoảng hơn 10 m. Theo anh Rép và người dân ở đây, miệng cống đó đã khiến hơn 10 người suýt bỏ mạng vì lỡ sẩy chân xuống nhưng may mắn được giúp đỡ kịp thời nên thoát chết trong gang tấc.

Trước đó, trên con phố khác thuộc quận Thủ Đức, một phụ nữ phải chết thảm dưới bánh xe tải mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ miệng cống thoát nước.

Những miệng cống không được đậy nắp như thế này là "thủ phạm" giết chết người đi đường. Ảnh: Vĩnh Phú

Sáng 9/10, khi đang chở con đi học về trên đường Kha Vạn Cân, do tránh dòng xe cộ lưu thông đông đúc, chị Hà Thị Tuyết Mai (42 tuổi, ngụ tại địa phương) cho xe máy nép sát vào lề đường. Không may, pô xe của chị vướng vào hố ga lòi hẳn ra đường khiến cả người và xe đổ nhào xuống đất. Bất ngờ một chiếc xe tải từ phía sau trờ tới. Do không xử lý kịp nên tài xế đã để bánh xe tải chèn ngang người chị Tuyết khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Riêng cậu con trai may mắn ngã vào phía trong thoát chết.

Tại hiện trường, hố ga gián tiếp gây tai nạn cho chị Tuyết Mai bị lộ ra khỏi lề đường hơn 15 cm. Theo người dân tại đây, chỗ này là một khúc cua khá hẹp, nếu có hai xe tải đi ngược chiều thì người đi đường phải nép sát vào lề, ngay cạnh miệng hố thoát nước.

Anh Hà (38 tuổi, ngụ ở phường Tam Bình) cho biết, do nhu cầu công việc nên ngày nào cũng phải đi qua đoạn đường này. "Tại chỗ ấy đã có nhiều tai nạn giao thông thương tâm xảy ra. Khi đến những khúc cua, người dân chỉ cần va chạm nhẹ với nắp cống là ngã ngay nhưng không hiểu sao nhiều năm nay không một ai đứng ra sửa chữa?", anh này nói.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, đường Kha Vạn Cân dài hơn 3 km, nhỏ hẹp, nhiều khúc cua nhưng có rất nhiều xe tải, xe container... lưu thông. Tại mỗi khúc cua có từ 1 đến 3 cống thoát nước ló ra ngoài gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tương tự, tại nhiều tuyến đường khác trên địa bàn TP HCM cũng có hàng ngàn cái "bẫy" chết người. Điển hình như đường Nguyễn Văn Luông (quận 6),có hàng chục nắp hố ga cao hơn mặt đường 10 cm. Hay giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) có hẳn một hố ga to hơn 2 m không có nắp đậy...

Liên quan đến cái chết của chị Tuyết Mai trên đường Kha Vạn Cân, đã xác định được đơn vị quản lý và vận hành hệ thống thoát nước này thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM.

Tuy nhiên, ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập TP cho biết, nếu hố ga bị sụp hoặc mất nắp dẫn đến xảy ra tai nạn chết người thì trách nhiệm sẽ thuộc về Trung tâm. Đằng này, hệ thống thoát nước trên tuyến đường này do Công ty thoát nước đô thị làm chủ đầu tư, năm 2009 Trung tâm mới tiếp nhận quản lý và vận hành nên Trung tâm không thể chịu trách nhiệm.

Còn về miệng cống chết người đã "nuốt" anh Vũ Hồng Thái, ông Lê Hồng Phúc - Phó giám đốc Công ty Đường sắt Sài Gòn xác nhận, vị trí cống thoát nước, nơi anh Thái lọt xuống và bị cuốn trôi chết ngạt là một phần của đường ngang do cơ quan mình quản lý. Tuy nhiên, ông Phúc nhấn mạnh, cái chết của anh Thái là do anh bị xui xẻo ngã xuống cống và bị nước cuốn trôi, chứ không phải lỗi do Công ty Đường sắt Sài Gòn.

Ông Phúc cho rằng, công ty đã làm chặt chẽ các quy trình, quy phạm về các biện pháp đảm bảo an toàn tại khu vực đường ngang này. Cụ thể, công ty đã có cân chắn ngăn chặn để phân biệt ranh giới giữa đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, từ mép đường bộ vào miệng cống hở cũng đã có một miếng đan bê tông dài hơn cả mét, có xây gờ bê tông ngăn cách đường với miệng cống.

Trước việc đùn đẩy trách nhiệm của những đơn vị liên quan, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, hững chiếc cống hay nắp hố ga bao giờ cũng gắn liền với một cung đường, giao lộ nhất định. "Theo mô tả nắp hố ga lấn ra cả mặt đường lưu thông, còn chiếc cống nằm ngay ngã tư đường ray Tô Ngọc Vân, không rõ thuộc phạm vi quản lý hay sửa chữa, thi công của ai?", ông Hoài nói.

Tuy nhiên, theo ông Hoài, nhìn từ góc độ quản lý đô thị, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, sửa chữa các con đường và công trình thoát nước, một phần nguyên nhân thời tiết mưa lớn và triều cường, cũng cần xem xét, phân định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông công chính và chính quyền địa phương.

Trong trường hợp này, nếu xác định được phạm vi và trách nhiệm quản lý của từng đơn vị, tổ chức nêu trên, gia đình nạn nhân có thể yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường về những thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Bao gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; cũng như một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, hoặc nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Tá Lâm - Vũ Mai - Vũ Hội

(Nguồn vnexpress.net)

5/5 (2 bầu chọn)